TUYÊN TRUYỀN VỀ CHIẾN LƯỢC, ĐỊNH HƯỚNG, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN

Chủ đề hôm nay là tuyên truyền về chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển tỉnh Quảng Ninh.

Thưa quý vị và các bạn !

Bền vững theo hướng đô thị bền vững, xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu - tích hợp đồng bộ trong quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã chủ trương, xác định công tác lập quy hoạch, chiến lược quan trọng là định hướng phát triển đồng bộ, bền vững; tỉnh đã tập trung chỉ đạo, chủ động đề xuất cơ chế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài lập các quy hoạch quan trọng, thông qua kinh nghiệm của các đơn vị tư vấn nước ngoài hàng đầu thế giới để nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo tiền đề hấp dẫn và đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là của các nhà đầu tư chiến lược; ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược và là tỉnh đầu tiên hoàn thành đồng thời 7 quy hoạch chiến lược quan trọng. Trong đó, ngành xây dựng được giao chủ trì thực hiện đồ án Quy hoạch Vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đơn vị tư vấn Nikken Sekkei – Nhật Bản, là một trong những tư vấn hàng đầu quốc tế và khu vực về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng… thực hiện.

Theo đó, Quy hoạch vùng tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tầu kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo  môi trường bền vững; tầm nhìn đến năm 2050, trở thành vùng đô thị phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, thành phố (TP) trực thuộc Trung ương với các đặc trưng: Là vùng đô thị phát triển hiện đại, bền vững, văn minh và có bản sắc; vùng đô thị xanh, đô thị sinh thái phong phú và thân thiện với môi trường; an toàn và ứng phó hiệu quả với thiên tai và các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); là vùng đô thị cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao, đảm bảo tốt an sinh và chất lượng cuộc sống; phát triển gắn kết giữa đô thị và nông thôn, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các khu vực. Trên cơ sở đó, quy hoạch đã định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm phát hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường như: “(i) Từng bước di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm môi trường ra ngoài đô thị; (ii) Dừng việc mở rộng nâng công suất các nhà máy xi măng hiện có; di chuyển vị trí các nhà máy dự kiến xây dựng theo quy hoạch (đối với các nhà máy xi măng nằm trong khu vực đô thị, ven vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long có ảnh hưởng đến môi trường đô thị, môi trường vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long); (iii) Đánh giá lại các nhà máy điện và di chuyển các nhà máy nhiệt điện ra ngoài đô thị giai đoạn sau 2030; (iv) Chuyển dần từ khai thác than lộ thiên sang khai thác hầm lò theo đúng lộ trình trong quy hoạch đã được duyệt; áp dụng các hình thức vận chuyển than từ mỏ đến nơi chế biến, tiêu thụ đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; phân vùng không gian khai thác và vùng phát triển dân cư, đô thị và du lịch, đồng thời bố trí các vùng đệm cây xanh quy mô lớn tại các khu vực giữa khai trường và đô thị; sớm hoàn nguyên các mỏ than không còn hoạt động khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng thành các khu công viên cây xanh, các khu chức năng phục vụ đô thị… phù hợp với sự phát triển của du lịch và dịch vụ; (v) Định hướng phát triển hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, cấp nước, thoát nước, nghĩa trang, chất thải rắn…”.

 Ðịnh hướng quy hoạch tỉnh quảng ninh thời kỳ 2021 – 2030

+ Về quan điểm: Kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực ”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng TP trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh trong tam giác động lực phía Bắc – Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển bền vững.

+ Về mục tiêu: Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng – an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

+ Về hệ thống đô thị: Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị; dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người (dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người), tỷ lệ đô thị hóa trên 75%; Quảng Ninh trở thành TP trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 07 TP (Hạ Long, Cẩm Phả,Uông Bí, Móng Cái – Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên. Trên cơ sở đó, hình thành 03 vùng liên huyện, bao gồm:

+ Vùng liên huyện Hạ Long gồm: TP Hạ Long, thị xã Quảng Yên, TP Uông Bí, thị xã Đông Triều, TP Cẩm Phả – Trong đó TP Hạ Long là trung tâm vùng, thị xã Quảng Yên gắn với khu kinh tế ven biển Quảng Yên là động lực tăng trưởng mới, quy mô dân số khoảng 1,9 triệu người; diện tích khoảng 3.028 km2 – Đây là trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh Quảng Ninh, với ngành kinh tế trọng tâm là du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp khai khoáng, cảng biển, các ngành năng lượng sạch…;

+ Vùng liên huyện Vân Đồn gồm: Huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô, huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ – Trong đó, khu vực đô thị trung tâm huyện Vân Đồn là trung tâm vùng, quy mô dân số khoảng 323,5 nghìn người; diện tích khoảng 4.145km2 – Đây là vùng kinh tế du lịch, công nghiệp sạch và công nghệ cao, logistics, nông lâm ngư nghiệp, trong đó. Vân Đồn là khu kinh tế ven biển, mũi đột phá, trung tâm phát triển và tăng cường kết nối đến các vùng miền núi phía Bắc và vùng biển đảo phía Nam, là một cửa ngõ mới ra biển của vùng miền núi phía Đông Bắc;

+ Vùng liên huyện Móng Cái gồm: TP Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà, huyện Bình Liêu – Trong đó, TP Móng Cái gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là mũi đột phá, trung tâm vùng, quy mô dân số khoảng 418,9 nghìn người, diện tích khoảng 2.671km2 – Đây là vùng trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch biên giới, cửa ngõ của ASEAN với các nước Đông Bắc Á với hạ tầng đường cao tốc, cảng biển quy mô lớn Hải Hà, Vạn Ninh…

Ðịnh hướng phát triển theo hướng đô thị bền vững, đô thị xanh

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh lựa chọn “Tăng trưởng bền vững” là phương án phát triển của tỉnh trong thời kỳ tới. Đây là một lựa chọn hài hòa, mang lại mức tăng trưởng vừa nhanh vừa bền vững (GRDP tăng trung bình 10%/năm), với các định hướng thân thiện môi trường, tạo nền tảng xã hội vững chắc, không đánh đổi các giá trị môi trường, xã hội dài hạn để lấy lợi ích kinh tế ngắn hạn. Như vậy, với phương án lựa chọn, tỉnh Quảng Ninh không chỉ duy trì tăng trưởng trong những lĩnh vực nền tảng hiện có mà mở rộng đầu tư mạnh mẽ theo hướng xanh hóa, tăng năng suất, dịch chuyển sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, giá trị cao và bền vững.

Cùng với phát triển hệ thống đô thị, quy hoạch tỉnh đã xác định các không gian, vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải, vùng đất ngập nước quan trọng, các khu vực cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên, làm cơ sở để triển khai các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án để tôn tạo, phát huy giá trị của từng vùng; không gian rừng núi chiếm khoảng 80% – Đây là khu vực vùng cao, không gian còn lưu giữ văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên phong phú, là nơi có thể tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn kết giữa du lịch biển với du lịch vùng cao, biên giới rừng núi.

Hệ thống hạ tầng được quy hoạch triển khai đồng bộ, trong đó tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối, hệ thống các công trình cấp nước, thoát nước, cây xanh, vệ sinh môi trường để từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và du khách.

Không gian xanh: Các đô thị lớn như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí… đã triển khai xây dựng các không gian công cộng kết hợp cải tạo giao thông đô thị, vỉa hè, cây xanh tạo nên các không gian cảnh quan sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân và khách du lịch trong và ngoài nước (cụ thể như: Công viên hoa Hạ Long; Quảng trường 30/10; Dự án mở rộng đường bao biển Trần Quốc Nghiễn; Cải tạo tuyến đường Nguyễn Văn Cừ – Tuyến đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả; Đường Hoàng Quốc Việt, đường bao biển Bãi Cháy TP Hạ Long; Dự án cải tạo tuyến đường trung tâm TP Cẩm Phả; cải tạo chỉnh trang đô thị các tuyến giao thông TP Móng Cái…).

Cấp nước: Duy trì, cải tạo mở rộng hệ thống cấp nước hiện có; đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hồ, đập đảm bảo an ninh nguồn nước nội tỉnh kết hợp quy hoạch xây dựng các công trình, mở rộng mạng phủ cấp nước đô thị phấn đấu tỷ lệ cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%;

Thoát nước, xử lý nước thải: Hạn chế tối đa việc lấn biển, lấn mặt nước, sông hồ để phát triển đô thị. Nâng cao tiêu chuẩn tính toán hệ thống tiêu thoát nước phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đầu tư xây dựng các công trình đê bao, công trình tiêu úng kết hợp nạo vét, duy tu hệ thống thoát nước hiện có; đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước nửa riêng để thu gom, xử lý triệt để nước thải đô thị hiện hữu; các đô thị mới phải xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thoát ra hệ thống thoát nước chung; các điểm dân cư nông thôn định hướng phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải phân tán, quy mô nhỏ để xử lý cho từng điểm dân cư nông thôn;

Quản lý chất thải rắn: Triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành các nhóm để thu gom, xử lý theo phương pháp phù hợp; chất thải rắn xây dựng được phân loại tái sử dụng tuần hoàn trong các công trình xây dựng, đối với các loại không tái sử dụng được đưa về các khu xử lý chung; định hướng mỗi địa phương phải quy hoạch xây dựng hoặc dự trữ 01 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ thu gom và xử lý tại các đô thị  và xã đảo có hoạt động du lịch, dịch vụ đạt trên 99%; áp dụng mô hình hệ sinh thái xử lý chất thải khép kín, công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế để giảm tỷ lệ chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp, tăng tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt có thu hồi nhiệt phục vụ sản xuất, tái chế chất thải, tái sử dụng chất thải làm nguyên liệu đầu vào cho các hoạt động sản xuất (đồng xử lý chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng, đốt rác phát điện…) với mục tiêu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Xây dựng nông thôn mới, có lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên theo các tiêu chuẩn sống tốt, bảo vệ và phát triển cảnh quan và môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 65%, nông thôn mới kiểu mẫu đạt 35%.

Định hướng phát triển đô thị thông minh: Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện.

Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ, liên thông, tổng thể, trọng tâm là phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội của tỉnh. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn gắn với phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trong tỉnh.

Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Tỉnh Quảng Ninh đã có những cải thiện đáng kể nhiều lĩnh vực như khai thác than, nuôi trồng thủy hải sản ven bờ, du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của tỉnh đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc cải tạo, thay đổi địa hình, địa mạo, cảnh quan môi trường đã làm tăng nguy cơ thiệt hại trước những diễn biến khó lường của thiên tai. Trước những yêu cầu về hội nhập quốc tế và thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã xác định và kiên trì định hướng phát triển đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Song song với việc triển khai lập quy hoạch tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo triển khai lập đồng thời các Quy hoạch vùng liên huyện, Vùng huyện, Quy hoạch chung các khu kinh tế, Quy hoạch chung các thành phố, thị xã, thị trấn và Chương trình phát triển đô thị tỉnh, Chương trình phát triển đô thị các địa phương, làm cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 167